1. Các khoản tiền được hưởng
Tiền lương chưa thanh toán
Trong thời hạn 14 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động (ngày bắt đầu bị cắt giảm) thì người sử dụng lao động phải thanh toán đầy đủ lương chưa thanh toán cho người lao động.
Một thực tế phổ biến là khoản lương này được trả cùng với kỳ thanh toán lương như khi người lao động đang còn làm việc. Việc này là chưa đúng với quy định của pháp luật lao động. Ví dụ: ngày trả lương là ngày 20 hàng tháng (thanh toán lương của tháng trước), người lao động bị cắt giảm ngày 01/02 thì lương của tháng 01 phải được trả đủ muộn nhất là ngày 14/02 chứ không cần đợi đến kỳ trả lương ngày 20/02.
Tiền lương và tiền bảo hiểm các loại cho thời gian không được làm việc
Người sử dụng lao động phải thanh toán cho người lao động tiền lương theo hợp đồng lao động cho thời gian người lao động không được làm việc. Đồng thời, người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong thời gian này. Thời gian người lao động không được làm việc tính từ khi bị cắt giảm cho đến khi người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tại nơi làm việc mới hoặc đến khi hết thời hạn của hợp đồng lao động (nếu là hợp đồng lao động có thời hạn).
Tiền bồi thường
Người sử dụng lao động phải bồi thường tối thiểu 4 tháng lương theo hợp đồng lao động cho người lao động. Ngoài ra, nếu người sử dụng lao động vi phạm quy định về thông báo chấm dứt hợp đồng lao động thì còn phải trả cho người lao động tiền lương cho những ngày không báo trước (thông báo phải bằng văn bản).
Về thời hạn báo trước, ngoại trừ các trường hợp đặc biệt thì người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động:
- Tối thiểu 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
- Tối thiểu 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
- Tối thiểu 3 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 12 tháng.
Tiền trợ cấp thôi việc
Với người lao động có thâm niên làm việc từ 1 năm trở lên thì người sử dụng lao động phải trả cho người lao động tiền trợ cấp thôi việc ở mức nửa tháng tiền lương cho mỗi năm làm việc cho người sử dụng lao động. Năm làm việc để tính tiền trợ cấp thôi việc là thời gian thực tế làm việc trừ đi thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Người lao động có thể tra cứu thời gian làm việc của mình thông qua ứng dụng VSSID hoặc ứng dụng VneID. Như vậy, với các doanh nghiệp đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thì khoản tiền trợ cấp thôi việc sẽ không đáng kể.
Thời gian thực tế làm việc để tính tiền trợ cấp thôi việc nếu phần lẻ (không tròn năm) nhỏ hơn hoặc bằng 6 tháng thì được tính là 0.5 năm, nếu lớn hơn 6 tháng thì được tính là 1 năm.
Ví dụ: Người lao động có lương 10 triệu đồng, có thâm niên 18 tháng, thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong quá trình làm việc là 14 tháng thì tiền trợ cấp thôi việc là:
(18 – 14 = 4 tháng (làm tròn thành 0.5 năm) X 10 triệu đồng = 5 triệu.
Tiền trợ cấp mất việc làm
Người sử dụng lao động phải trả cho người lao động tiền trợ cấp mất việc làm được tính tương tự như tiền trợ cấp thôi việc nhưng không ít hơn 2 tháng tiền lương.
Điều kiện hưởng: Khi bị cắt giảm vì lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc lý do kinh tế; hoặc lý do người sử dụng lao động tái cấu trúc (sáp nhập, hợp nhất, chia tách…).
Tiền trợ cấp thất nghiệp
Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp còn được hưởng trợ cấp thất nghiệp (do quỹ bảo hiểm thất nghiệp chi trả, người sử dụng lao động không phải chi trả). Mức hưởng được tính bằng 60% tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp và được hưởng tối đa 3 tháng kể từ khi bị cắt giảm.
Điều kiện hưởng: Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước đó kể từ khi bị cắt giảm (thời gian này có thể tra cứu trên ứng dụng VSSID và VNeID)
3. Cắt giảm vì lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc lý do kinh tế có đúng luật không?
Rất nhiều người lao động nhận được lý do cắt giảm do người sử dụng lao động “tái cơ cấu” hay “kinh tế khó khăn” hay lý do khác tương tự. Về mặt kinh tế, lý do này hoàn toàn hợp lý theo xu thế thị trường nhưng về mặt pháp lý để lý do này là hợp pháp thì pháp luật đặt ra rất nhiều điều kiện cũng như các thủ tục mà người sử dụng lao động phải tuân thủ. Nếu xử lý không khéo léo, người sử dụng lao động sẽ bị quy là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
4. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật lao động năm 2019
- Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động của Chính phủ ngày 14/12/2020.
5. Lời khuyên từ Luật Kiến An
- Chủ động lưu giữ hợp đồng lao động, phiếu nhận lương (nếu nhận bằng tiền mặt).
- Yêu cầu người sử dụng lao động cấp quyết định cho nghỉ việc … hoặc tài liệu tương đương.
- Không ngại thương lượng với người sử dụng lao động về chế độ, quyền lợi của mình khi bị cắt giảm.
- Liên hệ Luật Kiến An để được tư vấn, hỗ trợ càng sớm càng tốt.
Có thể thấy, người lao động có không ít quyền lợi khi không may bị cắt giảm. Với sự tham gia của Luật Kiến An rất nhiều khách hàng đạt được kết quả ngoài mong đợi. Luật Kiến An cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ khách hàng làm việc với người sử dụng lao động, giải quyết tranh chấp với chi phí tối ưu.
Chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng bạn.