Hướng dẫn từ A-Z hồ sơ mua nhà ở xã hội

Nhà ở xã hội là một lựa chọn phù hợp với nhiều người đang làm việc tại các thành phố lớn nhưng chưa đủ tài chính để mua nhà thương mại. Với mức giá ưu đãi và chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, đây là cơ hội giúp nhiều người sở hữu nhà dễ dàng hơn. Tuy nhiên, không ít người gặp khó khăn trong quá trình đăng ký vì hồ sơ phức tạp, thủ tục nhiều bước và thông tin không rõ ràng. Nếu không chuẩn bị đúng ngay từ đầu, bạn có thể mất thời gian bổ sung giấy tờ hoặc thậm chí bị từ chối hồ sơ.
Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn từng bước chuẩn bị hồ sơ mua nhà ở xã hội đầy đủ, dễ hiểu và có thể áp dụng ngay. Nếu chưa chắc chắn mình có đủ điều kiện hay không, bạn có thể tham khảo bài viết Ai được mua nhà ở xã hội? trước khi bắt đầu.

Giờ hãy cùng Luật Kiến An tìm hiểu chi tiết!

I. ĐIỀU KIỆN CHUNG ĐỂ ĐĂNG KÝ MUA NHÀ Ở XÃ HỘI

Trước khi chuẩn bị hồ sơ, điều quan trọng đầu tiên là bạn cần kiểm tra xem mình có thuộc nhóm đối tượng được mua nhà ở xã hội hay không. Nhiều người thường bỏ qua bước này và chỉ phát hiện ra mình không đủ điều kiện sau khi đã tốn công chuẩn bị giấy tờ. Theo quy định, để được mua nhà ở xã hội, bạn cần đáp ứng một số điều kiện nhất định về tình trạng nhà ở, nơi cư trú và khả năng tài chính. Dưới đây là một số tiêu chí cơ bản:

  • Chưa có nhà ở hoặc đang ở trong điều kiện chật hẹp (có xác nhận từ địa phương hoặc nơi làm việc).
  • Có thu nhập phù hợp với quy định.
  • Một số đổi tượng còn phải đáp ứng yêu cầu là chưa từng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội trước đó tại tỉnh, thành phố nơi có dự án nhà ở xã hội đăng ký mua.
  • Ngoài ra, một số nhóm đối tượng như công chức, viên chức, người lao động trong doanh nghiệp, người có công với cách mạng… cũng có thể được ưu tiên xét duyệt. Nếu bạn chưa chắc chắn mình có đủ điều kiện hay không, hãy xem bài viết “Ai được mua nhà ở xã hội” để biết thông tin chi tiết và tránh mất thời gian chuẩn bị hồ sơ không cần thiết.

Khi đã đảm bảo mình đủ điều kiện, bước tiếp theo là chuẩn bị hồ sơ đầy đủ để đăng ký. Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.

II. HỒ SƠ MUA NHÀ Ở XÃ HỘI CẦN CHUẨN BỊ

1. Giấy tờ cá nhân

Bạn mang thẻ căn cước hoặc căn cước công dân tới văn phòng công chứng hoặc UBND xã/phương để công chứng. Đây là loại giấy tờ không nằm trong thành phần hồ sơ luật định nhưng các chủ đầu tư vẫn thường yêu cầu. Một số dự án chủ đầu tư yêu cầu phải được công chứng trong thời gian tối đa là 6 tháng trước khi nộp hồ sơ. Bạn cũng đừng quên kiểm tra ngày còn hạn sử dụng của loại giấy tờ này.

2. Giấy tờ chứng minh điều kiện về nhà ở

Trường hợp chưa có nhà ở

Bạn điền đầy đủ thông tin tại mẫu giấy xác nhận điều kiện về nhà ở (mẫu văn bản ở dưới). Sau đó gửi tới Văn phòng/chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện nơi có dự án nhà ở xã hội bạn đang quan tâm để xin xác nhận. Thời gian luật định để cơ quan này xác nhận là 7 ngày kể từ khi nhận hồ sơ. Ví dụ: Nhà ở xã hội bạn đăng ký mua tại quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội thì sẽ xác nhận tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội quận Nam Từ Liêm (hồ sơ nộp tại bộ phận một cửa).Tải về Mẫu giấy xác nhận về điều kiện nhà ở: (1) Dùng cho trường hợp chưa sở hữu nhà ở tại đây; (2) Dùng cho trường hợp đã có nhà ở tại đây.

Lưu ý quan trọng: Nếu bạn đã kết hôn thì cả bạn và vợ/chồng của bạn phải kê khai và xin giấy xác nhận này.

Trường hợp đã có nhà ở nhưng nhỏ hơn diện tích tối thiểu

Bạn làm đơn đề nghị xác nhận diện tích nhà ở bình quân đầu người gửi UBND xã/phường để xin xác nhận. Thời gian luật định để cơ quan này xác nhận là 7 ngày kể từ khi nhận hồ sơ. Giấy tờ này hiện không có mẫu nên bạn cần xem thông báo của chủ đầu tư có yêu cầu làm theo mẫu không, nếu không thì tự soạn hoặc có thể liên hệ chúng tôi để được hướng dẫn miễn phí.

3. Giấy tờ chứng minh thu nhập

  • Giấy xác nhận thu nhập: Nếu làm việc theo hợp đồng lao động bạn làm giấy xác nhận theo mẫu (tải về tại đây) gửi cơ quan nơi mình làm việc để xin xác nhận. Nếu bạn không làm việc theo hợp đồng lao động (làm tự do, nội trợ …) thì làm theo mẫu (tải về tại đây) và gửi UBND xã/phường nơi bạn đăng ký tạm trú/thường trú xin xác nhận.
  • Bản photo bảng lương hàng tháng trong 1 năm trước liền kề tính từ khi nộp hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội. Thường thì tài liệu này bạn phải tự lập và nhờ công ty, cơ quan đóng dấu xác nhận bởi thực tế hiếm cơ quan, doanh nghiệp hàng tháng gửi cho bạn bảng lương có dấu hoặc đã chuyển sang hình thức điện tử (khi photo thì chủ đầu tư thường cho là không có giá trị).

Lưu ý quan trọng: Nếu bạn đã kết hôn thì cả bạn và vợ/chồng của bạn phải kê khai và xin giấy xác nhận này.

4. Đơn đăng ký mua nhà ở xã hội

Bạn tải mẫu đơn tại đây và ghi đầy đủ các thông tin theo mẫu. Đơn này bạn tự ký.

5. Một số lưu ý khi làm hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội

  • Cần theo dõi chặt chẽ thông tin về thời gian chủ đầu tư nhận hồ sơ để cân đối với thời gian chuẩn bị hồ sơ của mình. Theo quy định, chủ đầu tư phải công khai thông tin này trên website Sở Xây dựng, chủ đầu tư.
  • Một số giấy tờ có yêu cầu về thời hạn vì thế bạn cũng không nên chuẩn bị quá sớm. Ví dụ, giấy xác nhận về thu nhập bạn chuẩn bị trước nhưng 6 tháng sau mới đến thời gian nhận hồ sơ thì bạn vẫn phải xin lại giấy này.
  • Tại một thời điểm, bạn chỉ được đăng ký mua 1 nhà tại 1 dự án nhà ở xã hội (trong phạm vi 1 tỉnh). Ví dụ, nếu bạn nộp 2 dự án trở lên cùng tại thành phố Hà Nội thì hồ sơ của bạn tại cả 2 dự án sẽ bị trả về còn nếu 1 dự án bạn đăng ký tại Hà Nội, 1 dự án tại Bắc Ninh thì hồ sơ vẫn hợp lệ để xét duyệt.
  • Chỉ tìm hiểu thông tin về dự án qua kênh thông tin chính thống của chủ đầu tư hoặc Nhà nước. Tuyệt đối không tin theo các quảng cáo dạng bao trúng bốc thăm, bao mua từ các đơn vị môi giới, sàn giao dịch bất động sản.

Nếu bạn cần tư vấn thêm về thủ tục pháp lý liên quan đến nhà ở xã hội, hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ nhanh chóng và chính xác.

Related Blog

Leave a CommentYour email address will not be published.